Sau nhiều năm làm công việc sáng tạo nội dung và tiếp xúc với nhiều người trong ngành này.
Thì tôi nhận thấy.
Các nhà sáng tạo trong mọi lĩnh vực – dù có ít hay nhiều người theo dõi, hoạt động trên nhiều nền tảng và phương tiện khác nhau – đều phải đối mặt với thách thức chung:
Làm thế nào để có đủ thời gian sản xuất nội dung cho khán giả.
Bởi đơn giản, đa số mọi người có một công việc toàn thời gian khác bên cạnh việc sáng tạo nội dung.
Không phải ai cũng ngồi nhà cả ngày làm sáng tạo nội dung full time.
Mà kể cả có làm full time, thì sẽ luôn có những đầu việc xuất hiện chen vào việc sáng tạo nội dung của bạn, ví dụ như khi bạn bận thiết kế một sản phẩm mới chẳng hạn.
Tôi đã đăng bài thường xuyên hơn 04 năm trên các nền tảng Tiktok, Zalo, Youtube, Facebook, Email,… vì vậy tôi hiểu rõ sự khó khăn này.
Các thuật toán luôn cần nội dung mới.
Việc tạo nội dung liên tục có thể giống như đang chạy trên một máy chạy bộ không bao giờ dừng lại.
Nhiều nhà sáng tạo tham vọng thường cảm thấy kiệt sức trước khi đạt được thành công.
Điều này thật đáng tiếc, vì quá trình này có thể dễ dàng hơn nhiều.
Có một câu nói quen thuộc:
Làm việc thông minh hơn,
không phải chăm chỉ hơn
Đây là lời khuyên tốt nhất cho những người sáng tạo nội dung.
Bởi vì chúng ta không được đền đáp bằng số giờ bỏ ra, mà bằng kết quả chúng ta tạo ra. Vì vậy, chúng ta cần làm việc một cách thông minh và hiệu quả.
Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ chiến thuật sáng tạo nội dung hình mũ mà tôi phát triển từ Gary Vaynerchuk.
Đây là một trong những cách dễ nhất để tạo ra nhiều nội dung truyền tải thông điệp nhất quán mà không gây nhàm chán.
Chúng ta hãy cùng khám phá.
Phương pháp sáng tạo nội dung hình mũ rất đơn giản như sau:
Bạn có một nội dung tiềm năng, sau đó bạn chia nhỏ thành nhiều phần nhỏ hơn hoặc phát triển nó thành nhiều phần rộng hơn. Với cách này, bạn có thể biến một nội dung duy nhất thành hàng trăm mẫu mới, giúp tăng thêm sự đa dạng cho lịch đăng bài của bạn. Các nội dung đăng lên có tỷ lệ thành công cao và bạn cũng không phải quá mệt mỏi động não mỗi ngày.
Cách thức hoạt động
Bước 1: Tìm 01 nội dung tiềm năng.
Đây là bước quan trọng nhất, bởi nếu bạn phát triển tất cả các nội dung khác từ một nội dung không tiềm năng thì công sức của bạn sẽ thành “Dã Tràng xe cát”.
Bạn phải tìm ra một nội dung tiềm năng, đã được chứng minh là hoạt động tốt, đã lan truyền, được nhiều người yêu thích và tương tác.
Chú ý ở đây cụm từ “đã được chứng minh” là thành công chứ không phải “bạn nghĩ” nó sẽ thành công.
Hãy xem lại tất cả nội dung bạn từng đăng lên các nền tảng, lập một danh sách những nội dung đã lan truyền và thành công của bạn. Đó chính là những nội dung tiềm năng của bạn.
Nhưng nếu bạn không có thì sao?
Ví dụ như bạn mới bắt đầu hành trình xây kênh nên chưa có nội dung tiềm năng nào, hoặc bạn sáng tạo lâu rồi nhưng “đen đủi” chưa có bất kì nội dung nào viral.
Không sao.
Hãy lấy nội dung tiềm năng của người khác, những người trong cùng lĩnh vực của bạn.
Đến đây thì bạn sẽ có vô hạn những nội dung tiềm năng, nên bạn đừng phàn nàn rằng bước này khó nữa nhé.🙄
Bước 2: Tạo ra mọi định dạng khả thi từ nội dung tiềm năng đó.
Sau khi có được nội dung tiềm năng, bạn hãy tạo ra tất cả các định dạng có thể của nó, hãy nghĩ đến những định dạng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay:
- Video ngắn: Tiktok, Reels, Short,…
- Video dài: Youtube, Tiktok (Tiktok đã mở giới hạn 60 phút)
- Bài viết ngắn: Zalo, Threads, X,…
- Bài viết dài: Fanpage, Group Facebook, Blog,…
- Ảnh: Facebook, Instagram, Tiktok, Threads,…
Tất nhiên với mỗi định dạng bạn cần thay đổi nội dung, kịch bản của nội dung tiềm năng ban đầu cho phù hợp hơn.
Ví dụ: Nếu nội dung tiềm năng của bạn là 01 video youtube dài. Vậy bạn có thể chia video thành nhiều ý nhỏ và mỗi ý sẽ biến thành 01 video ngắn, 01 bài viết ngắn.
Kịch bản của video dài ban đầu bạn cũng sẽ chuyển thành 01 bài viết dài.
Bạn có thể chụp các khung hình thú vị trong video để làm thành băng truyền ảnh đăng lên Tiktok, Instagram.
Tương tự nếu nội dung tiềm năng là 01 video ngắn, 01 bài viết ngắn. Vậy hãy phát triển các ý, mở rộng các đoạn lớn hơn để trở thành 01 video dài, 01 bài viết dài.
Bạn cũng có thể vẫn giữ nguyên nội dung nhưng thực hiện quay dựng lại từ đầu theo kiểu “bình mới rượu cũ” đi.
Bước 3: Thay đổi 5W1H
Sau khi đã khai thác hết các định dạng có thể của nội dung tiềm năng, không còn gì để khai thác nữa. Vậy bước tiếp theo, bạn hãy thay đổi những yếu tố quan trọng trong nội dung tiềm năng đó để tạo ra một nội dung mới nhưng vẫn giữ lại phần lớn cái “chất” của nội dung tiềm năng kia.
Hãy tìm 5W1H trong nội dung tiềm năng, và mỗi lần hãy thay đổi 1 đến 2 yếu tố trong 5W1H để tạo ra nội dung mới nhưng vẫn giữ được phần lớn cái hay của nội dung tiềm năng.
5W1H là gì:
1. What (Cái gì)
Chủ đề chính hoặc nội dung tiềm năng mà bạn muốn truyền tải. Điều gì đang xảy ra? Sản phẩm/dịch vụ là gì? Nội dung chính là gì?
Ví dụ: Sản phẩm mới ra mắt, dịch vụ mới, tin tức quan trọng.
2. Who (Ai)
Đối tượng liên quan đến nội dung. Ai là người tham gia? Ai bị ảnh hưởng? Ai là khán giả mục tiêu?
Ví dụ: Khách hàng, đối tác, người dùng, nhân vật chính trong câu chuyện.
3. When (Khi nào)
Thời gian xảy ra hoặc áp dụng của sự việc. Khi nào sự việc xảy ra? Thời gian diễn ra sự kiện là khi nào?
Ví dụ: Ngày, tháng, năm, thời điểm cụ thể trong ngày.
4. Where (Ở đâu)
Địa điểm hoặc bối cảnh của sự việc. Sự việc diễn ra ở đâu? Địa điểm cụ thể nào?
Ví dụ: Thành phố, quốc gia, địa điểm cụ thể như văn phòng, nhà hàng.
5. Why (Tại sao)
Lý do hoặc nguyên nhân dẫn đến sự việc. Tại sao sự việc này xảy ra? Nguyên nhân của sự việc là gì?
Ví dụ: Lý do phát triển sản phẩm mới, nguyên nhân của một sự kiện hoặc quyết định.
6. How (Như thế nào)
Cách thức thực hiện hoặc diễn ra của sự việc. Sự việc diễn ra như thế nào? Cách thức thực hiện ra sao?
Ví dụ: Quy trình làm việc, phương pháp sử dụng, các bước thực hiện.
Hãy xác định 5W1H trong nội dung tiềm năng của bạn và tiến hành thay đổi 1 hoặc 2 thứ để tạo nội dung mới.
Ví dụ: Giữ nguyên những cái còn lại nhưng thay đổi Who – Đối tượng, vậy là bạn có một mẫu nội dung mới. Hoặc giữ nguyên những cái còn lại nhưng thay đổi How và When, bạn sẽ có ngay một nội dung mới.
Tất nhiên ban đầu bạn không thể nhanh được, nhưng làm một thời gian bạn sẽ quen ngay, bởi thực ra bạn có phải sáng tạo mới gì nhiều đâu.😂
Đó chính là 03 bước tôi luôn thực hiện mỗi khi cảm thấy bí ý tưởng, mệt mỏi không muốn động não.
Chỉ cần lục trong kho các nội dung tiềm năng, hoặc sang một kênh đối thủ nào đó kiếm lấy một nội dung tiềm năng về áp dụng bước 2 và 3 vào để nhanh chóng có một nội dung với tỷ lệ thành công cực kì cao.
Phương pháp này không chỉ giúp tạo ra nhiều nội dung hơn mà còn giúp tạo ra nội dung thông minh hơn.
Khi bạn đi sâu vào một chủ đề, chia nhỏ hoặc mở rộng nó ra, bạn sẽ duy trì được sự nhất quán trong thông điệp trên nhiều nội dung.
Điều này sẽ củng cố thương hiệu và thông điệp của bạn.
Một lợi ích khác của phương pháp sáng tạo hình mũ này là nó tôn trọng sự đa dạng trong sở thích tiêu thụ nội dung của khán giả.
Một số người thích các bài viết chuyên sâu, trong khi những người khác tương tác tốt với hình ảnh hoặc video ngắn. Bạn sẽ đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng trên mọi nền tảng.
Hãy nhớ rằng, sự nhất quán quan trọng hơn sự hoàn hảo.
Sử dụng phương pháp này để cung cấp giá trị cho khán giả một cách thường xuyên mà không khiến bạn kiệt sức.
Làm việc thông minh hơn, không phải chăm chỉ hơn.
Hẹn gặp lại!
Quang.
Trần Nhơn Hậu
30 Tháng bảy, 2024Dạ em cảm ơn bài giảng này của thầy ạ.
Nó thật có ý nghĩa đối với em ạ
Hà Duy Quang
3 Tháng tám, 2024oki bạn